Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên
Nghiên cứu khoa học sinh viên là hoạt động quan trọng và cần thiết của công tác đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế thế giới, hội nhập về giáo dục và đào tạo, xây dựng và phát triển phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên trong trường là một yêu cầu bức thiết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tính tự chủ sáng tạo và năng động hình thành năng lực tự học cho sinh viên và góp phần tạo ra tri thức, sản phẩm mới cho xã hội.
Tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên sẽ tập làm quen với một đề tài nghiên cứu quy mô nhỏ, sẽ được tiếp cận với những vấn đề cụ thể, có ý thức đào sâu suy nghĩ, và tập cách tư duy để tự nghiên cứu giải quyết một vấn đề. Trong quá trình thực hiện đề tài sinh viên sẽ nảy sinh ra nhiều hướng giải quyết khác nhau. Quá trình này sẽ giúp sinh viên rèn luyện tu duy độc lập, biết bảo vệ lập trường khoa học của mình. Đề tài khoa học thường do một nhóm từ hai sinh viên trở lên cùng thực hiện vì vậy việc cùng thực hiện một đề tài nghiên cứu cũng giúp sinh viên phát triển các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm với sự chia sẻ ý thức và trách nhiệm, thêm vào đó là kỹ năng tra cứu tư liệu, phương pháp phân tích, tổng hợp. Bên cạnh đó, việc thực hiện và bảo vệ một đề tài nghiên cứu khoa học sẽ rèn giũa cho sinh viên kỹ năng diễn đạt, trình bày một vấn đề, kỹ năng thuyết trình, tập cho sinh viên phong thái tự tin khi bảo vệ trước một hội đồng khoa học. Đây cũng là trải nghiệm rất quý báu và thú vị mà không phải bất kỳ sinh viên nào cũng có được trong quãng đời sinh viên của mình.
Nhằm khuyến khích khả năng tự học, tự nghiên cứu khoa học trong sinh viên, Nhà trường đã đưa hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên vào kế hoạch giảng dạy và học tập hàng năm. Các buổi hội thảo, các báo cáo chuyên để thường xuyên được tổ chức. Bên cạnh đó Nhà trường đã đề ra những chính sách phù hợp, kịp thời nhằm khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia NCKH, như hổ trợ kinh phí cũng như cơ vật chất cho quá trình nghiên cứu. Phòng thư viện hổ trợ tài liệu tham khảo, phòng thí nghiệm phục vụ công tác thực hành... Quá trình đăng ký và nghiệm thu được thực hiện qua từng cấp rất chặt chẽ thể hiện tính nghiêm túc và tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học. Mặc dù vậy phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng qua từng năm học. Trong 5 năm trở lại đây có 293 đề tài được nghiệm thu với 1.172 sinh viên tham gia thực hiện. Số đề tài đạt giải là 148 đề tài, trong đó 23 đề tài đạt giải nhất, 46 đề tài đạt giải nhì, 52 đề tài đạt giải ba và 27 đề tài đạt giải khuyến khích. Một số đề tài được đánh giá có tính thực tiễn cao, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và kiến nghị đưa vào áp dụng trong thực tế như đề tài: “Xây dựng phần mềm nhắn tin nhắc lịch công tác tự động qua USB 3G” hay đề tài “Nghiên cứu xác định khả năng chịu kéo uốn của bê tông asphanlt sử dụng lưới địa kỹ thuật tại hiện trường”; “Nghiên cứu thiêt kế chế tạo mô hình cơ cấu khoá chống trộm lắp ngược phía trong sử dụng điều khiển từ xa để mở”; “Nghiên cứu giải pháp chống sét hợp lý cho công trình xây dựng khu vực Cơ sở II - ĐHGTVT”; “Nghiên cứu ứng xử cầu vòm mạng lưới khi một số dây treo không làm việc”; “Đề xuất tính toán kiểm tra bề dày tấm bê tông cốt thép dự ứng lực trong kết cấu áo đường cứng”; “Nghiên cứu mối quan hệ giữa độ rỗng dư và độ ổn định Marshall của bê tông nhựa”; “Ứng dụng mô hình hồi qui logistic nhị thức trong phân tích tai nạn giao thông nghiêm trọng và đề xuất bộ giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn giao thông tại nút giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh”.
Một điều đáng biểu dương là nhiều sinh viên đang học các môn học cơ bản cũng đã tham gia thực hiện đề tài với nhiều lĩnh vực không phải là thế mạnh của Trường như Lý luận chính trị, xã hội, ngoại ngữ. Điều này cho thấy rằng, hoạt động NCKH của sinh viên đã có sức lan tỏa đến nhiều đối tượng.
Một số hình ảnh sinh viên tham gia nghiệm thu NCKH:
Như vậy phong trào nghiên cứu khoa học là hết sức quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên, góp phần tạo nên đội ngũ nhân lực với niềm đam mê, nhiệt huyết, khao khát khẳng định giá trị bản thân. Đó chính là nền tảng, là hành trang để các em tự tin bước vào cuộc sống.
TS. Võ Trường Sơn
Trưởng Ban Khoa học công nghệ - Đối ngoại